Vào thập kỷ trước, Blockchain vốn là một khái niệm xa lạ với hầu hết cả thế giới. Thế nhưng, nó đang trở thành cơn sốt trong thời gian gần đây. Hầu hết các ngành sản xuất, kinh doanh đều bắt đầu ứng dụng Blockchain một cách rộng rãi. Các thương vụ ICO, những sự kiện lớn, những vụ tấn công liên quan đến các ứng dụng của công nghệ này luôn là “mỏ vàng” của giới truyền thông.
Dù có tuổi đời còn rất trẻ, nhưng Blockchain đã tiến những bước vượt xa kỳ vọng của những người khai sinh ra nó. Trong bài viết này, hãy cùng BHub tìm hiểu về sự ra đời và phát triển của công nghệ này.
Sự ra đời của Blockchain
Mật mã học – “Xương sống” của Blockchain
Mật mã học là nền tảng cốt lõi của Blockchain. Nó đã trải qua lịch sử lâu dài với những bước tiến vượt bậc.
Một ví dụ tiêu biểu của mật mã học cổ đại là Mật mã Caesar. Nó được Hoàng đế La Mã Julius Caesar sử dụng để truyền những thông tin nhạy cảm. Mật mã Caesar quy ước có thể tịnh tiến hoặc lùi các ký tự trong thông điệp theo bảng chữ cái với số lượng ký tự được định trước và không đổi. Vì vậy, nó còn được gọi là Mật mã Dịch chuyển.
Ví dụ, bạn nhận được một mật thư có nội dung EHKRATKQ. Giả sử mật thư này yêu cầu tịnh tiến 4 ký tự trong bảng chữ cái tiếng Anh. Như vậy, ta có thể các ký tự trong mật mã gốc như sau: A thay bằng E, B thay bằng F, C thay bằng G,… Như vậy, mật mã trên được giải thành ILOVEYOU.

Mật mã học hiện đại đã có những bước phát triển vượt bậc. Cùng với sự phát triển của hệ thống điện toán cá nhân và mạng Internet, những phương thức mã hóa và giải mã ngày càng trở nên tinh vi, phức tạp hơn. Thông điệp ban đầu chỉ có thể được giải mã khi một ai đó có chìa khóa. Nếu không, họ cần can thiệp mạnh mẽ vào hệ thống để có thể bẻ khóa.
Nhiều nghiên cứu vào thập niên 1980 – 1990 chỉ ra có thể bảo toàn dữ liệu thông qua quá trình mã hóa. Đồng thời, dữ liệu đó có thể được kết nối chặt chẽ với nhau để tạo thành chuỗi. Đó cũng là cơ sở để hình thành nên công nghệ Blockchain.
Những cơ sở lý thuyết đầu tiên
Năm 1982, David Chaum viết một bài nghiên cứu với tiêu đề Blind Signatures for Untraceable Payments (Chữ ký mù cho những giao dịch không thể truy vết). Chaum cho rằng người dùng có thể sở hữu và chi tiêu tiền ảo theo cách không tổ chức nào có thể tìm thấy dấu vết. Ông cùng Amos Fiat và Moni Naor đề xuất các giao dịch kèm chữ ký mù có khả năng phát hiện khoản tiền trước đó đã được chi tiêu hay chưa. Điều này là một giải pháp khả thi để chống lặp chi. David Chaum cũng được vinh danh là cha đẻ của chữ ký mù.
Ý tưởng đầu tiên của công nghệ Blockchain xuất hiện vào năm 1991. Stuart Haber và W. Scott Stornetta giới thiệu một hệ thống đánh dấu thời gian các văn bản số mà không thể bị can thiệp hoặc giả mạo. Năm 1992, họ cùng Dave Bayer nâng cấp hệ thống trên thành cây Merkle. Hệ thống này cho phép tập hợp nhiều văn bản thành một khối.
Năm 1998, Wei Dai xuất bản một bài viết với nhan đề B-money, an Anonymous, Distributed Electronic Cash System (Đồng B, một hệ thống tiền điện tử phân tán ẩn danh). Bài viết đã phác thảo những nền tảng cho tiền mã hóa nói riêng và Blockchain nói chung. Sau này, bài viết trên được Satoshi Nakamoto nhắc đến trong sách trắng về Bitcoin.
Sự ra đời của Bitcoin
Năm 2008, Satoshi Nakamoto công bố sách trắng về Bitcoin với tựa đề Bitcoin: A peer-to-peer Electronic Cash System (Bitcoin: Một mô hình tiền điện tử ngang cấp). Bài viết đưa ra kiến thức tổng quan về Bitcoin và khối các giao dịch kết nối trong chuỗi. Bài viết không dùng trực tiếp thuật ngữ Blockchain khi đề cập đến phương thức này.
Không dừng lại ở đó, năm 2009, Satoshi chính thức thiết lập mạng lưới Bitcoin. Cụm từ block chain (viết rời) chính thức được đề cập trong mã nguồn nguyên thủy của Bitcoin. Satoshi Nakamoto được công nhận là người khai thác khối đầu tiên trên mạng lưới Bitcoin. Khối này, gọi là Khối Nguyên thủy, cũng được xem là Blockchain đầu tiên trên toàn thế giới.

Trong Khối Nguyên thủy (Genesis Block), Satoshi để lại thông điệp: “The Times 03/Jan/2009 Chancellor on brink of second bailout for banks” (Tờ Thời báo, ngày 3/1/2009, Bộ trưởng Tài chính đang đứng bên bờ vực phải tung ra gói cứu trợ thứ hai). Với thông điệp này, có thể khẳng định Blockchain đầu tiên được tạo khoảng ngày 3/1/2009. Đây là tiêu đề trên một tờ báo lớn của Anh nói về cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Đó cũng có thể là cơ sở cho sự ra đời các đồng tiền mã hóa như Bitcoin hay Ethereum.
Với việc khai thác Khối Nguyên thủy, Satoshi Nakamoto nhận được 50 Bitcoin. Vào ngày 10/1/2009, Satoshi gửi Hal Finney 10 Bitcoin. Đó được coi là giao dịch Bitcoin đầu tiên trên thế giới.
Thuật ngữ Blockchain (viết liền) chính thức được phổ biến rộng rãi vào năm 2016.
Các giai đoạn phát triển của Blockchain

Có thể chia sự phát triển của Blockchain thành 4 giai đoạn:
Blockchain 1.0
Sự ra đời của Bitcoin tạo nên một nền tảng vô cùng quan trọng để phát triển các đồng tiền mã hóa. Hàng loạt đồng tiền ra đời sử dụng cơ chế đồng thuận Proof of Work.
Bên cạnh đó, hệ thống giao dịch tiền tệ truyền thống cũng được hưởng lợi. Nhờ Blockchain, các giao dịch được tăng tốc độ xử lý, không còn bị thời gian và không gian giới hạn. Lúc này, giới công nghệ bắt đầu nhận ra tiềm năng vô hạn của Blockchain. Từ đó, công nghệ này bắt đầu có những bước tiến ngoài mong đợi.
Blockchain 2.0
Ethereum ra đời đánh dấu giai đoạn phát triển tiếp theo của Blockchain. Ethereum còn mang đến một công cụ quan trọng khác – hợp đồng thông minh (Smart Contracts). Nhờ có công cụ này, Blockchain ngày càng được tích hợp sâu hơn trong lĩnh vực tài chính. Tất cả giao dịch, thỏa thuận đều được xử lý nhanh hơn, chính xác và an toàn hơn nhờ vào hợp đồng thông minh.
Không chỉ vậy, Ethereum còn là nền tảng quan trọng để phát triển các ứng dụng phi tập trung (dApps). Ethereum cũng là cơ sở cho việc ra đời Web thế hệ mới (Web3).
Blockchain 3.0
Các giải pháp Blockchain ngày càng được nâng cao tính bảo mật và hiệu quả. Những vấn đề hiện hữu như việc giao dịch trực tiếp giữa các Blockchain với nhau đã có lời giải. Các công nghệ mới, tiêu biểu là sổ cái phân tán (DLT) và IOTA, đã và đang đóng góp hiệu quả cho việc nâng cao năng suất và giá trị lao động. Có thể nói, Blockchain 3.0 chính là nền móng vững chắc cho thế hệ kế cận của công nghệ này.
Blockchain 4.0
Blockchain đã vươn xa khỏi ngành tài chính để gây ảnh hưởng đến hầu hết mọi lĩnh vực của đời sống, từ công nghiệp, nông nghiệp, kinh doanh, cho đến hành chính, giáo dục, y tế và thậm chí là cả nghệ thuật. Công nghệ này ngày càng đóng vai trò quan trọng trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Blockchain có khả năng cung cấp một nền tảng ổn định, an toàn, minh bạch cho mọi lĩnh vực.

Các công ty thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau có thể cung cấp một hệ sinh thái Blockchain hoàn chỉnh. Nền công nghiệp nội dung số cũng chi hàng tỷ USD đầu tư vào các sản phẩm như Web3, NFT, game NFT, bản quyền số,… Có thể nói, thế giới xung quanh chúng ta đang được các ứng dụng Blockchain bao quanh.
Đọc toàn bộ loạt bài giới thiệu về Blockchain:
Phần 2: Blockchain hoạt động như thế nào?
Theo dõi thông báo tin tức mới nhất tại BHub News
Tham gia trao đổi trực tiếp tại cộng đồng BHub Chat
Tất cả về Bhubs